Khi Chủ tịch xã tham gia Ban Đại diện Ngân hàng CSXH
09:25 - 19/08/2014
(Quỹ HTND)- Chương trình 1 năm thí điểm bổ sung chủ tịch xã vào BĐD NHCSXH cấp huyện ở 3 tỉnh đại diện cho 3 miền trong cả nước gồm Bắc Giang (miền Bắc), Thanh Hóa (miền Trung) và Long An (miền Nam) đã có những thành công rõ rệt.

Đoàn khảo sát làm việc với Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Lâm Đồng

Đó là, cụ thể hóa trách nhiệm của chủ tịch xã trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương; tăng tính xã hội hóa trong hoạt động tín dụng chính sách; nâng cao vai trò quản lý nhà nước của tín dụng chính sách; nâng cao chất lượng tín dụng và hiệu quả hoạt động của NHCSXH ở cấp cơ sở…

Trung tuần tháng 8/2014, Đoàn công tác liên ngành Trung ương gồm đại diện của Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Trung ương Hội LHPNVN do ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam làm Trưởng đoàn thực hiện khảo sát tại 2 tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa.

Qua quá trình tìm hiểu thực tế và gặp gỡ phỏng vấn một số hộ vay vốn, Tổ trưởng Tổ TK&VV; trao đổi và làm việc với Ban Đại diện (BĐD) Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Lâm Đồng, huyện Di Linh, huyện Đức Trọng và UBND các xã Đà Loan (Đức Trọng), Gia Hiệp (Di Linh), ông Nguyễn Văn Lý cho biết: Từ trước đến nay, hoạt động của NHCSXH đều diễn ra ở cơ sở, tổ chức giao dịch tại xã. Mặc dù không tham gia BĐD nhưng định kỳ BĐD vẫn mời chủ tịch xã trao đổi, lấy ý kiến; chủ tịch xã vẫn phải chứng thực hồ sơ vay vốn, xử lý nợ, tiếp nhận vốn xây dựng nông thôn mới, phản ánh tình hình thực hiện chính sách trên địa bàn… Đa số ý kiến thống nhất với việc chủ tịch xã tham gia vào BĐD vì họ đã thực hiện dù chưa hợp lý hóa là thành viên chính thức. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại do đã kiêm quá nhiều việc, có thể sẽ tạo ra tính cửa quyền của chủ tịch xã…

Theo đại diện Phòng LĐ-TBXH huyện Di Linh: Sẽ có những bất cập vì chủ tịch xã rất bận rộn, chủ tịch xã nhiều nơi không vào cuộc, giao cho phó chủ tịch xã tham gia… Ông Trần Văn Việt - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Thực ra, chủ tịch xã cũng tham dự, nhưng tính ràng buộc chưa cao, nếu đưa chủ tịch xã vào BĐD sẽ giảm rủi ro vì tính kiểm soát tăng lên và toàn diện hơn… Ông Hoàng Bình - Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Lâm Đồng cho rằng việc đưa chủ tịch xã vào BĐD sẽ rất hiệu quả khi kết hợp với các chương trình khác như khuyến nông, khuyến lâm…Ông Trần Văn Anh - Giám đốc chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh Lâm Đồng, khẳng định, sẽ áp dụng đồng loạt bổ sung chủ tịch xã vào BĐD trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nếu Chính phủ đồng ý… 

Trao đổi và làm việc với Ban Đại diện (BĐD) Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa, Đảng ủy, UBND xã và các Hội đoàn thể xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm và phường Cam Phúc Bắc, thành phố Cam Ranh về chủ trương bầu bổ sung chủ tịch xã vào BĐD HĐQT NHCSXH cấp huyện, cơ chế ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị xã hội, ông Trần Sơn Hải- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cũng như các đại biểu đều thống nhất ủng hộ chủ trương bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện. Ông cho biết nguồn vốn của NHCSXH Việt Nam là kênh vốn quan trọng đối với địa phương. Bên cạnh nguồn vốn Trung ương, hàng năm, ngân sách địa phương đã dành nhiều tỷ đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Trung ương tăng nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo và có chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo để ổn định kinh tế gia đình và thoát nghèo bền vững.

Tham gia về việc sửa đổi, bổ sung cơ chế  cho vay ủy thác qua các Hội đoàn thể các đại biểu đều nhất trí làm rõ trách nhiệm của NHCSXH và của Hội đoàn thể để phù hợp với thực tế, có thể gom lại theo nhóm thay vì làm theo 06 công đoạn như hiện nay. Bên cạnh đó là phân phối tỉ lệ phí được hưởng ở các cấp: Các thành viên BĐD NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa đều cho rằng, phí ở cấp xã dù tỉ lệ cao (84%), cấp huyện (8%) nhưng số lượng xã và tổ TK&VV lớn, nên mức chia thực tế rất nhỏ, nhiều nơi địa bàn hoạt động rộng, không đủ tiền xăng xe… Vì vậy, các thành viên đều đề xuất tăng tỷ lệ phí ủy thác cho cấp xã và cấp huyện./.

Đức Trung

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường